Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt giữa nhiều biến số bất định

(KTSG Online) – Để ứng phó với những vấn đề nội tại của nền kinh tế và các rủi ro bất định trên toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị mọi động thái điều hành chính sách tiền tệ – tài khoá của Việt Nam cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng, đặc biệt trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Sáng 10-5, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2023 (Vietnam Banking Forum 2023), với chủ đề: “Điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến khó lường, rủi ro lạm phát và biến động hệ thống tài chính”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Nhận định về bối cảnh vĩ mô, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Điều này đã buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử là 5% chỉ trong 14 tháng. Sau những động thái của Fed, thị trường quốc tế xuất hiện biến động mạnh khi đồng đô la Mỹ có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

“Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi”, ông Hà nhấn mạnh.

Những nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế

Phát biểu tại diễn đàn, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết kinh tế toàn cầu phục hồi chậm trong các tháng đầu năm 2023, bước đầu tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Cụ thể, các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.

Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, chia sẻ tại diễn đàn.

Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Cơ quan này đã có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,3-1 điểm %/năm trong tháng 3 và 4-2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, NHNN cũng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11. Cụ thể, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay trung – dài hạn với mức lãi suất hợp lý cho các đối tượng khách hàng.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Kinh doanh tiền tệ và đầu tư thuộc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn thì ngân hàng cũng khó, ngược lại ngân hàng khó, doanh nghiệp càng khó. Song đồng hành cùng các chỉ đạo quyết liệt của NHNN và chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, OCB đã có rất nhiều chương trình, chính sách để cùng tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp như gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ khách hàng bán lẻ với lãi suất ngắn hạn và dài hạn phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh của khách hàng.

Còn nhiều thách thức phía trước

Toàn cảnh Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Với những tháng đầu năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường thì với Việt Nam – một nền kinh tế nhỏ, nhưng có độ mở rất lớn và nội tại còn nhiều khó khăn thách thức – thì công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn, gồm: vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Hiện tại, Fed đã tạm từng tăng lãi suất giúp áp lực tỷ giá – lãi suất với Việt Nam giảm bớt, nhưng bà Dương Thị Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, cho biết mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn.

Động thái của Fed cũng như các tác động tới chính sách tiền tệ và nền kinh tế Việt Nam cũng là điều mà các ngân hàng thương mại lo lắng dè chừng. Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng đang xấu đi đang là nỗi ám ảnh của các ngân hàng hiện nay.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, bày tỏ lo ngại về chất lượng tín dụng đang xấu đi.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, cho biết tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm chứng tỏ sức hấp thụ của nền kinh tế đang chững lại, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… Tất cả đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế nên khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng không thể “khỏe” được.

“Báo cáo tài chính quí 1-2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy lợi nhuận giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm ngoái tới nay, các ngân hàng thương mại đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và cả rủi ro danh tiếng do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ thì năm 2023, rủi ro lớn nhất của các ngân hàng là rủi ro tín dụng. Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Chưa kể, nền kinh tế khó khăn cũng khiến các rủi ro khác gia tăng với lĩnh vực ngân hàng như rủi ro an ninh các phòng giao dịch, rủi ro gian lận nội bộ, tấn công mạng”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, ông Tùng đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ trong ban hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giải ngân đầu tư công… cũng như các giải pháp của ngành ngân hàng trong ổn định hệ thống, cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Đặc biệt, việc NHNN ban hành Thông tư 02/2023 về cơ cấu nợ không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn giúp các ngân hàng giãn dự phòng, giúp cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định cơ quan quản lý tiền tệ đang rất khó khăn trong việc điều hành.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng NHNN đang đi trên dây khi vừa điều hành vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp dồn hết khó khăn vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp cũng gặp khó”, ông Hùng cảnh báo.

Theo ông Hùng, Thông tư 02/2023 về giãn hoãn nợ là tin vui với cả ngân hàng và doanh nghiệp, song nếu không cẩn thận thì khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn hết vào ngân hàng thương mại.

Chuyển chính sách tiền tệ sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”

Gợi ý chính sách tài khóa – tiền tệ giai đoạn 2023-2024, TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, hành chính.

Cụ thể, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ – tài chính. Đồng thời, chuyển trạng thái từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng”.

Ngoài ra, tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ và hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD theo Đề án 689/QĐ-TTg ngày 8-6-2023.

Với chính sách tài khoá, ông Lực cho rằng đây tiếp tục là chính sách chủ lực nên cần thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, cần tiếp tục chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí theo Nghị định 12/2023, đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng, phối hợp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triể kinh tế – xã hội 2022-2023.

“Dư địa của chính sách tài khoá vẫn còn”, ông Lực nhấn mạnh.

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), phát biểu tại diễn đàn

Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gợi ý các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng, đặc biệt trong việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Với bối cảnh hiện tại, chuyên gia này cho rằng NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá; đồng thời, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện trong bối cảnh đảm bảo được các thị trường tài chính lớn, việc bảo vệ hệ thống tài chính vẫn là ưu tiên của Việt Nam.

“Chính sách tài khoá nên linh hoạt và có mục tiêu. Việt Nam cũng cần có sự quyết tâm để cải cách cơ cấu, đạt năng suất, tăng trưởng bao trùm và bền vững. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc tăng cường quy định về phá sản, mất khả năng thanh toán”, bà Nga nói.

Những khuyến nghị của bà Nga được đặt ra trong bối cảnh kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất chưa chắc chắn. Ngoài ra, những tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ dự báo sẽ còn tác động lớn hơn và âm ỉ tới khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo bà Nga, lạm phát chung đã ổn định trở lại tại các nước trong khu vực nhờ giảm giá hàng hóa sơ chế và chi phí vận chuyển; tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn còn cao và đang trở thành nguyên nhân chính gây lạm phát. Đối với Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga cảnh báo lạm phát cơ bản có thể còn dai dẳng trước khi giảm dần xuống dưới 4%.