Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: ‘Thách thức từ đại dịch mở ra cơ hội chuyển giao thế hệ’
(KTSG Online) – Đại dịch có thể gây sức ép rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố khách quan thúc đẩy doanh nghiêp đưa ra những mô hình quản trị tối ưu, đồng thời cũng mở ra cơ hội để thực hiện các cuộc chuyển giao thế hệ.
Đó là nhận định của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tại chuỗi hội thảo Ready to lead của Đại học Hoa Sen với chuyên đề tháng 6 “Quản trị doanh nghiệp trong và sau đại dịch”. Tại hội thảo này, người đứng đầu Tập đoàn Hòa Bình cũng chia sẻ về những áp lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp cũng như các giá trị đã tạo dựng được trong hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19 vừa qua.
Theo ông Hải, tác động đầu tiên của Covid-19 đối với một doanh nghiệp niêm yết chính là việc cổ phiếu bị giảm rất sâu bởi nhà đầu tư không biết đại dịch tác động thế nào trong tương lai. Tiếp đó là các hoạt động bị ngưng trệ, tác động nặng nề tới hiệu quả kinh doanh, với Hòa Bình là doanh thu trong hai năm qua giảm tới 40%. Thậm chí, tập đoàn còn ở trong trạng thái khó khi lãnh đạo đã bán giải chấp cổ phiêu, đây là điều tương đối nguy hiểm.
Tuy vậy, quyết định đáng chú ý nhất của Tập đoàn Hòa Bình trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh chính là việc tiến hành chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ sau. Cụ thể, HĐQT đã bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu, một doanh nhân thuộc lứa tuổi 9X làm tổng giám đốc. Theo quan điểm của HĐQT, việc lựa chọn người điều hành mới đúng mục tiêu chiến lược mà Hoà Bình đặt ra là được đào tạo ở nước ngoài, có năng lực và tư duy mới, có khả năng hội nhập với kinh tế thế giới.
“Trong những giai đoạn khó khăn, việc đưa ra những quyết định táo bạo có thể là cách để tạo động lực cho quá trình thoát hiểm. Đại dịch tạo sức ép lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để chúng ta thay đổi và Hòa Bình lựa chọn sự thay đổi bằng nguồn năng lượng của thế hệ lãnh đạo trẻ”, ông Hải nói.
Sau hơn một năm thực hiện chuyển giao, ông Hải nghĩ đây vẫn là quyết định đúng đắn bởi đó là sự chia lửa cần thiết của một thế hệ nhiệt huyết đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Năm 2021, ngành xây dựng đối diện với những khó khăn chưa từng thấy, giá vật liệu xây dựng tăng cao chóng mặt, trong khi quy định chống dịch ngặt nghèo khiến hàng loạt công trình phải treo cẩu, ngừng hoạt động. Từ quí 4-2021, khi cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” và cùng với chủ trương thúc đẩy đầu tư công, triển vọng ngành dần sáng hơn. Tuy nhiên mọi khó khăn vẫn chưa qua khi doanh nghiệp cần phải duy trì được sự ổn định để phục hồi.
Người đứng đầu Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, đại dịch là một yếu tố tác động bất ngờ, để vượt qua giai đoạn khó khăn, bên cạnh việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì doanh nghiệp cũng phải linh hoạt trong quản trị nhân lực và rủi ro. Điều quan trọng là phải thúc đẩy được tinh thần tương trợ lẫn nhau, kết hợp và phát huy được kinh nghiệm lẫn nguồn năng lượng giữa các thế hệ. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn chống dịch mà còn tạo nên giá trị lớn cho những mục tiêu tiếp theo của doanh nghiệp.
Câu chuyện về chuyển giao thê hệ điều hành chính là bước chuẩn bị tốt nhất để tối ưu kế hoạch vươn tầm quốc tế của doanh nghiệp. Đồng thời cũng tạo động lực, cảm hứng cho nhiều sinh viên tham gia tọa đàm của trường Đại học Hoa Sen. Từ đó cũng mở ra những bài học về tư duy kinh doanh, tư duy quản trị rủi ro cho thế hệ trẻ, tư duy quản trị cả về rủi ro lẫn nắm bắt các cơ hội.
Nhìn nhận về tinh thần kinh doanh của thế hệ trẻ hiện nay, ông Lê Viết Hải cho rằng các bạn trẻ thời nay định hình tư duy làm chủ rất sớm, đây là điều mà thế hệ ông không có nhiều.
Tuy nhiên, để tối ưu được các giá trị tinh thần này, theo ông Hải, các bạn trẻ cần phải đam mê có mục tiêu, sự học hỏi và luôn nghĩ về một sản phẩm tạo ra giá trị tốt cho cộng đồng. Nuôi dưỡng đam mê là rất tốt, nhưng nuôi dưỡng bằng cách nào để tạo ra thành công mới là vấn đề quan trọng.
“Khởi nghiệp là một hình thức theo đuổi đam mê một cách quyết liệt nhưng nếu vội vàng, sai thời điểm hay có sự chuẩn bị chưa tốt rất dễ thất bại”, ông Hải chia sẻ. ông cũng cho rằng việc học tập liên tục là cần thiết, tham gia làm việc ở những tổ chức doanh nghiệp cũng là một hình thức học tập. Khi tích lũy được kinh nghiệm lẫn các giá trị chuyên môn thì việc nắm bắt cơ hội để khởi nghiệp tốt và có chiến lược bài bản hơn với đam mê của mình.
V. Dũng