Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân trên cùng đơn vị diện tích, vấn đề đặt ra là phải hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp.
Đó là nội dung được nêu ra tại hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp?”. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Kinh tế Sài Gòn và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào chiều ngày 23-9 ở thành phố Cần Thơ.
Vì sao cần phải có đội ngũ làm nông chuyên nghiệp?
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt câu hỏi: “Vì sao cần phải có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hay nói cách khác nếu nông dân không chuyên nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra?”
Nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng có đặc điểm manh mún, tự phát, mù mờ và đánh đổi, bao gồm cả môi trường, sức khoẻ nông dân, người tiêu dùng và đa dạng sinh học… để tạo ra được sản lượng. “Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ khấu trừ những chi phí đánh đổi đó, mà chỉ tính vật tư, nhân công, tiền thuê đất là bao nhiêu thôi”, ông Hoan nói.
Việc sản xuất nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm cũng là nhân tố tích cực, bởi nhiều kinh nghiệm làm nông sẽ hiệu quả hơn, nhưng kinh nghiệm chỉ phát huy được trong một không gian hẹp với sự thay đổi chậm. Khi ứng dụng kinh nghiệm đó qua một không gian, đất đai khác với sự thay đổi nhanh hơn, thì nó không còn tác dụng nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước ba cái biến lớn, đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó lường; thứ hai, biến động thị trường và thứ ba là biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức người tiêu dùng chuyển từ ăn no sang ăn ngon, tiêu dùng xanh.
Với bối cảnh của thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần biến sản phẩm thành thương phẩm hay nói cách khác phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn.
Quá trình nêu trên không phải là quá trình kinh nghiệm có thể giải quyết được, mà người nông dân phải được đào tạo, huấn luyện để có được tri thức nhằm chuyển thành chuyên nghiệp. “Khi chuyên nghiệp, thì chúng ta mới chỉn chu, từ tổ chức sản xuất, đến chế biến, bảo quản, kinh doanh”, ông Hoan nói. Ông cho rằng khi đó nông dân sẽ biết cách bán nông sản giá cao hơn, tức thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng, mà còn dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh, sự hợp tác của người nông dân trong một không gian rộng hơn không gian gia đình.
Theo ông, thế giới hiện đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hoá ngày càng cao, trong khi Việt Nam chưa bắt kịp xu thế đó trong quy trình sản xuất thì rất khó để cạnh tranh. Vì vậy, 1 trong 9 giải pháp của Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn nông dân là nâng cao năng lực của người nông dân, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ với nghề nông nghiêm túc và giàu tri thức hơn.
Rõ ràng, khi người nông dân chuyên nghiệp thì những vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ được hoá giải. Từ đó sẽ hình thành được một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, góp phần tăng thêm giá trị thu nhập người nông dân.
Làm sao để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp?
Để hình thành được đội ngũ làm nông chuyên nghiệp, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng cần làm rõ ba vấn đề, đó là xác định rõ các loại “tri thức” mà người nông dân cần có trông bối cảnh thị trường hiện nay; tìm kiếm nguồn thông tin, tri thức đó ở đâu và có chính sách nào để phổ cập tri thức đó đến người nông dân.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp, để nông dân chuyên nghiệp cần huấn luyện tại chỗ, tức khi doanh nghiệp có đầu ra nông sản thì có thể trình bày với địa phương để được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, thiết lập hợp tác xã. “Khi đó, xã viên của hợp tác xã sẽ được huấn luyện làm theo đúng quy trình của doanh nghiệp để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông gợi ý và nói rằng chỉ cần 1-2 tuần huấn luyện, nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng rau quả nhiệt đới của Việt Nam là hàng hiếm và là “ước mơ” của nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với một số nước trong khu vực, kim ngạch xuất khẩu hàng năm còn thấp. “Lý do chính vẫn là sản phẩm không đạt yêu cầu nước nhập khẩu”, ông Bình nói. Theo ông, hạn chế đó có một nguyên nhân rất cơ bản là tính chuyên nghiệp trong làm nông chưa cao.
Chính vì vậy, theo ông Bình, từ những năm 2010, đơn vị này đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. “Mô hình này chính là khởi đầu đưa việc làm nông của nền nông nghiệp Việt Nam đi vào sản xuất chuyên nghiệp”, ông nói và giải thích rằng nông dân được trang bị kiến thức để sản xuất theo đúng tiêu chuẩn thị trường được doanh nghiệp đưa ra.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết, đối với Thái Lan, tính chuyên nghiệp của người nông dân được thể hiện ở chỗ phải đảm bảo sản xuất hàng hoá đạt chất lượng. Muốn vậy, nông dân Thái Lan phải biết quy trình sản xuất và tuân thủ tiêu chuẩn.
Để nông dân Việt Nam chuyên nghiệp, bà Hạnh cho rằng cần phải xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ người nông dân, trong đó có cấp quản lý, viện trường, lực lượng cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Miền Trung, để làm được câu chuyện chuyên nghiệp, cần con người có tri thức, tức phải hiểu và áp dụng vào quá trình vận hành để chuẩn hoá các quy trình. “Nghĩa là không phải một ông quyết định mọi thứ, mà được chia nhỏ ra”, ông Tuấn giải thích.
Cụ thể, đối với lĩnh vực thuỷ sản có con tôm thì trong con tôm được chia nhỏ ra, gồm môi trường nước, dinh dưỡng, dịch bệnh…, ở từng khâu nhỏ phải có người hiểu biết phụ trách mới có thể giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp. “Chuẩn hoá quy trình, chia nhỏ nó ra và bắt đầu chuẩn hoá các công việc”, ông nói.
TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp – phát triển nông thôn 2, cho rằng muốn có nông dân chuyên nghiệp thì cấp uỷ, chính quyền phải năng động; có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp tri thức hoá nông dân, giúp nông dân chuyên nghiệp; hỗ trợ nông dân trong phạm vi, khả năng và quyền hạn thuộc cấp mình quản lý.
Ngoài ra, ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, người nông dân có nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ đầu cuối hiện đại, nhưng hạ tầng internet, tốc độ wifi còn chậm nên cần phải cải thiện. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền các mô hình thành công.
PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Đại học Cần Thơ), gợi ý cần có chính sách ưu tiên cung cấp học bổng cho đào tạo các ngành nông nghiệp then chốt tại các cơ sở đào tạo trọng điểm và khu vực; hướng nghiệp, giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông; cần có chiến lược và định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Chuyên nghiệp hoá nông dân là cần thiết, nhưng đừng kỳ vọng cùng một lúc hơn 10 triệu nông dân Việt Nam trở thành chuyên nghiệp, bởi tri thức không có điểm dừng. “Mỗi ngày, chúng ta nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, có thể bắt đầu từ bán hàng, cách làm giống, thu hoạch…, rồi đến đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người nông dân”, ông Hoan nói.
Ông cho rằng vấn đề không khó lắm bởi có một bộ phận đã chuyên nghiệp. “Tôi quan sát thấy rằng, trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro thị trường hơn vì họ biết cách thích ứng với sự thay đổi”, ông cho biết. Ông dẫn chứng, nông dân đã biết lên facebook, zalo tự giới thiệu và bán nông sản – một trong những tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi, cần kiên trì giúp người nông dân “hấp thu” những cái mới bằng việc lồng ghép vào những chương trình có sẵn, chứ không phải yêu cầu 10 triệu hộ nông dân phải đến trường để học để được cấp bằng. “Phải linh hoạt từng loại nông dân”, ông nói.
Câu chuyện nông dân chuyên nghiệp không phải là câu chuyện của riêng Nhà nước, mà đó là câu chuyện của mọi người, của những ai “khắc khoải” vì sự chậm tịnh tiến trong phát triển để cùng hành động nhằm giúp người nông dân khá hơn, thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích thông qua làm nông chuyên nghiệp. “Như vậy, chúng ta không cám cảnh, ngồi than người nông dân bỏ quê, mà phải cùng hành động, cả doanh nghiệp, chuyên gia, viện, trường…”, ông nói.
Theo KTSG Online